Chào mừng các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng trong năm 2024

Những ngày lễ lớn trong năm 2024 không chỉ là những dịp để chúng ta nghỉ ngơi và thư giãn, mà còn là những cơ hội để tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử và xã hội của đất nước. Thực hiện văn bản số 492-CV/BTG về đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Huế ngày 16/4/2024, Đảng bộ Công ty cổ phần Bến xe Huế xin trích dẫn các tài liệu tuyên truyền chính thống nhằm tăng cường công tác thông tin đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và Nhân dân trên địa bàn thành phố về ý nghĩa lịch sử to lớn của Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động (01/5), ý nghĩa và giá trị tinh thần Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) năm 2024.

Ảnh sưu tầm trên Internet.

PHẦN I. KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

I. NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, với những bước chuyển biến về tương quan lực lượng, cục diện chiến tranh để đến giai đoạn cuối cuộc kháng chiến đã tạo bước nhảy vọt lớn, đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.

1. Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960: Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ

Tháng 7/1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân ta thắng lợi, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ. Mỹ ngoan cố không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, không ký Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định, đồng thời xúc tiến kế hoạch xâm chiếm miền Nam Việt Nam bằng Chiến lược “Chiến tranh đơn phương”. Thông qua việc dùng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, Mỹ tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng, diệt cộng” đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước và cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ. Thực hiện nhiệm vụ trên, ở miền Bắc, ta tích cực triển khai những biện pháp nhằm nhanh chóng ổn định, sớm tổ chức cuộc sống mới sau chiến tranh. Trong ba năm (1958 - 1960), miền Bắc đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, căn bản xoá bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng đại bộ phận Nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; định hướng và động viên Nhân dân miền Nam vùng lên trong phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã.

2. Giai đoạn từ năm 1961 đến giữa năm 1965: Giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ

Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Đó là chiến lược dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu nông dân miền Nam vào các trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi Nhân dân. Cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và chính trị, đánh địch bằng cả quân sự và chính trị, bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Ở miền Bắc, các mặt trận kinh tế, văn hoá, quốc phòng an ninh đều có bước phát triển mới. Quân và dân miền Bắc vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.

3. Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968: Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ra miền Bắc của đế quốc Mỹ

Trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp Nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1967), đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Tiếp theo những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Đất Cuốc, Bàu Bàng, ta lại đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam Bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây khu V, Đường 9, đồng bằng Nam Bộ và các mục tiêu chủ yếu của Mỹ ở các thành phố lớn. Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân Xuân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari.

4. Giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1973: Phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán

Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Thủ đoạn xảo quyệt của Mỹ là thực hiện chiến tranh hủy diệt và chiến tranh giành dân, chiến tranh bóp nghẹt để làm suy yếu cuộc kháng chiến của Nhân dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Những thắng lợi của chiến tranh cách mạng ba nước Đông Dương trong hai năm 1970 - 1971 đã tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta.

Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nắm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ (Điện Biên Phủ trên không), làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (1973), rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, làm cho so sánh lực lượng thay đổi hẳn, có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để ta giành thắng lợi cuối cùng.

5. Giai đoạn từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975: Tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Mỹ tăng cường chi viện tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho quân Ngụy lấn đất, giành dân, khống chế Nhân dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Pari của địch ngày càng tăng. Chúng điên cuồng đánh phá hỏng xóa bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng.

Sau Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch của quân và dân khu 9, tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc. Cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam ngày càng mạnh lên, ngụy ngày càng suy yếu rõ rệt. Nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ. Tháng 7/1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thắng lợi toàn Miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng toàn tỉnh Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng miền Nam đã đến.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 04/3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4/1975. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

II. Ý NGHĨA, NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Ý nghĩa lịch sử

Đối với Việt Nam: thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa Tổ quốc ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

Đối với thế giới: thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc; mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

2. Nguyên nhân thắng lợi

Thứ nhất: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai: Nhân dân và các lực lượng vũ trang Nhân dân đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì quyền con người.

Thứ ba: cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Thứ tư: kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Thứ năm: liên minh chiến đấu với Nhân dân Lào và Nhân dân Campuchia; đoàn kết quốc tế.

3. Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất: Xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Thứ ba: Vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh Nhân dân Việt Nam.

Thứ tư: Chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành những thắng lợi quyết định.

Thứ năm: phải luôn luôn chú trọng xây dựng đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy hiệu quả lãnh đạo của đảng.

-----

Ảnh sưu tầm trên Internet.

PHẦN II. NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

- Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh; ở một số nước như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ... phát triển mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động; mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn.

- Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, C.Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.

- Nước Mỹ, từ một quốc gia có nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào châu Âu, đã mở rộng sản suất, nhanh chóng phát triển trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Thành phố Chi-ca-gô trở thành trung tâm thương nghiệp của Mỹ. Nước Mỹ lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản quyết liệt. Các guồng máy chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc mỗi ngày từ 14-18 giờ, phụ nữ quần quật lao động không kém gì nam giới, nhưng đồng lương chỉ bằng 1/2 nam giới và suốt tuần không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày.

- Không chịu đựng mãi với chế độ bóc lột tàn khốc của giai cấp tư sản, phong trào bãi công của công nhân Mỹ bùng lên với đòi hỏi bức thiết là tăng lương, giảm giờ làm, cùng với phong trào đấu tranh của công nhân là sự ra đời và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng các xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.

- Ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ”, công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động.

- Ngày 3/5/1886, hơn 6 ngàn công nhân tổ chức bãi công mít tinh, biểu tình nhưng những người bãi công phản đối, bị cảnh sát đàn áp, 9 công nhân bị giết, 50 công nhân bị thương nặng, gây chấn động thành phố.

- Ngày 4/5/1886, một cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra ở Quảng trường Hay-mác-két để phản kháng hành động của cảnh sát. Lấy cớ đó chính quyền mở cuộc khủng bố lớn, hơn 200 người chết và bị thương, nhà tù chật ních những người tham gia đấu tranh.

- Những cuộc biểu tình tại Chi-ca-gô diễn ra ngày càng quyết liệt. Giới chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt...

- Vụ tàn sát đẫm máu sau ngày 1/5/1886, gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Ở Mỹ nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra tại các thành phố lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan… tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.

- Hơn một năm sau, ngày 11/11/1887, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh bị chính quyền treo cổ. Tuy phong trào bị đàn áp, nhưng chính phủ buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ.

- Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.

- Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, ngày 1/5/1890 lần đầu tiên, Ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm với quy mô thế giới. Công nhân ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Ý và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít tinh, xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ “Ngày làm 8 giờ”, “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”.

- Ngày Quốc tế Lao động (1/5) đã trở thành ngày Lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, dành để tôn vinh lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên thế giới; là ngày hội của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động trên toàn thế giới, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

* Giai cấp công nhân và Nhân dân lao động Việt Nam với ngày Quốc tế Lao động 1/5

- Từ thập niên 30 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam qua những tác phẩm của mình, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ hơn về phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và ngày Quốc tế Lao động (1/5), biểu hiện sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế. Ngày 1/5 gắn liền với cả một quá trình đấu tranh cách mạng ở trong nước cũng như ở ngoài nước.

- Ngày 01/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân ở Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô viết. Tháng 8/1925, công nhân Nhà máy đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) đã bãi công đòi tăng lương và để ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải (Trung Quốc). Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, một mốc son trong phong trào công nhân Việt Nam phát triển từ tự phát đến tự giác.

- Tháng 02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 mở đầu cao trào cách mạng năm 1930 - 1931. Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng với nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5), đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và Nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc đoàn kết đấu tranh tỏ rõ sức mạnh vô địch, nghị lực phi thường của khối liên minh công - nông. Đặc biệt tại Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy Cưa, Nhà máy diêm Bến Thuỷ (Nghệ An), hàng nghìn thợ thuyền cùng sát cánh với nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm sưu thuế; cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân Nhà máy sợi Nam Định trong 21 ngày gian khổ cũng góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng lãnh đạo.

- Trong phong trào cách mạng năm 1936 - 1939, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Đặc biệt là cuộc mít tinh ngày 1/5/1938, tại trường Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô). Cuộc mít tinh bắt đầu lúc 16 giờ ngày 1/5/1938, nhưng ngay từ xế trưa, trên nhiều ngả phố, những dòng người tham gia mít tinh đã cuồn cuộn lên đường. Tổng cộng có trên 25.000 người của 25 đoàn khác nhau. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của Nhân dân lao động.

- Sau khi giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5). Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động (1/5) được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn Nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

-----

Ảnh sưu tầm trên Internet.

PHẦN III. KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI (19/5/1890 - 19/5/2024)

1. Khái quát thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ngày 05 tháng 6 năm 1911, từ bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên đường sang phương Tây, mang theo mình một khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để đem lại: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.

Người tham gia lập Hội vận động cách mạng của Nhân dân nhiều nước và đấu tranh giải phóng dân tộc mình. Ngày 18 tháng 6 năm 1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi đến Hội nghị Véc-xây bản yêu sách, đòi Chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp; năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp; năm 1922 xuất bản tờ báo “Người cùng khổ” ở Pháp; năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân; năm 1924, Người tham gia Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam; năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á; xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”...

Sau gần 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản và nhiều nước thuộc địa. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và Nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của những người cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng; Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930 được sự phân công của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam tại Hương Cảng, Trung Quốc.

Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Hội nghị do Nguyễn Ái Quốc chủ trì chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 03 tháng 02 (dương lịch) hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

Từ năm 1930 - 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ. Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm l945 thắng lợi. Ngày 02 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (năm 1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” (năm 1954).

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trong cả nước.

Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960) đã nhất trí bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của Nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc nuối cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và Nhân dân thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại, có những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại tiến bộ. Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại tiến bộ trên thế giới, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/1865 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Đây là vinh dự tự hào vô cùng lớn lao của Đảng và Nhân dân ta.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam

2.1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế 

Năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc chí Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngày 02/9/1945, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”. Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta cùng một lúc phải đối mặt với “Giặc đói”, “Giặc dốt”, “Giặc ngoại xâm”. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, phức tạp, thù trong, giặc ngoài, “Ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối, chiến lược, sách lược lãnh đạo toàn dân tộc, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua cơn hiểm nghèo, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn Đảng xây dựng đường lối “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”; “Thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược”; lãnh đạo Nhân dân phát huy cao độ lòng yêu nước, khí phách anh hùng đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng chân lý của thời đại, tấm lòng của Người luôn hướng về Nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì một thế giới hòa bình, các dân tộc được tự do và bình đẳng, con người được sống hạnh phúc. Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết, nhất trí giữa các đảng cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng; cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, kiên cường và vô cùng trong sáng, suốt đời chiến đấu cho công bằng, hòa bình và tiến bộ của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

2.2. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam

Sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã tìm con đường cứu nước đúng đắn và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, hạnh phúc cho Nhân dân. Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại địa vị xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, đã chỉ ra cho Nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do cho đất nước mình, từ đó góp phần vào việc xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ góp phần tạo ra một chế độ mới, một thời đại mới mà còn tạo ra một nền văn hóa mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của văn hóa nhân loại.

Những năm tháng hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã tiếp thu chọn lọc truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, trong đó đặc biệt là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin phát triển thành những giá trị văn hóa mới - văn hóa Hồ Chí Minh. Tư tưởng về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm đậm trong đời sống xã hội. Người luôn nhận rõ vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của văn hóa. Người chỉ rõ: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Cái cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người đề cao lý tưởng cứu nước, cứu dân, “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại tiến bộ trên thế giới, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/1865 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Đây là vinh dự tự hào vô cùng lớn lao của Đảng và Nhân dân ta.

3. Tiếp tục thực hiện những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân ta đạt được những thành tựu to lớn: Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, kết thúc 21 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, hoàn thành cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trong cả nước, bảo vệ và phát triển những thành tựu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho Nhân dân:

+ Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Đảng đã tập trung sức lực và trí tuệ lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành công cuộc cách mạng đưa cả nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã phấn đấu vượt qua gian khổ và thu được những kết quả hết sức quan trọng. Tuy vậy, trong xây dựng kinh tế, ta đã từng phạm một số sai lầm, khuyết điểm; Đảng đã “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, thẳng thắn phân tích những nguyên nhân của sự vấp váp, sai lầm. Tin tưởng vào sức mạnh của Nhân dân và dân tộc, Đảng khởi xướng đường lối đổi mới và quyết tâm tiến hành sự nghiệp đổi mới vì hạnh phúc của Nhân dân.

+ Công cuộc đổi mới ở nước ta sau gần 40 năm đã đạt được những thành tựu to lớn. Về kinh tế, đã đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường, đời sống của các tầng lớp Nhân dân không ngừng được cải thiện; thực hiện có kết quả chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành; thực hiện có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, giữa tiến bộ và công bằng xã hội; công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hóa về loại hình trường lớp; khoa học - công nghệ và tiềm lực khoa học - công nghệ có bước phát triển tích cực; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân có tiến bộ; những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc được thừa kế và phát triển…; quan hệ đối ngoại phát triển mạnh mẽ, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

- Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, kiên định sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam; thực hiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng: 

+ Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng (năm 1991), Đảng ta đã khẳng định: cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam.

+ Thực hiện Di chúc của Người, trong tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới rất nặng nề, các thế lực thù địch tấn công toàn diện vào Đảng, vào chế độ, Đảng ta vẫn vững vàng, thể hiện rõ bản chất cách mạng và khoa học, kiên định về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn, quan trọng, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.

+ Công tác xây dựng Đảng đã được đặt ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong đó xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là qua triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các cấp, các ngành, đã trở thành luồng sinh khí mới thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng trong hàng triệu cán bộ, đảng viên; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có tiến bộ; việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã có chuyển biến; tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, ý thức trách nhiệm với công việc được giao của cán bộ, đảng viên được nâng lên; góp phần khắc phục một bước tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

- Phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế đất nước trong hội nhập quốc tế: Đảng ta ngay từ khi ra đời đã giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế vô sản, đề ra nhiệm vụ đoàn kết với giai cấp vô sản thế giới, với các dân tộc bị áp bức, coi đó là một nguyên tắc, một trong những nhân tố quyết định thành công của cách mạng nước ta. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Trong đó, chúng ta có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 30 nước trên thế giới bao gồm tất cả các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (trong đó có 07 đối tác chiến lược toàn diện gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia); có 72 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường…

-----

Ảnh sưu tầm trên Internet.

TRÍCH DẪN NGUỒN TÀI LIỆU TỪ BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY.

 

Bình luận

Hỗ trợ khách hàng

Hỗ trợ mua vé
Z 0854441080
Hỗ trợ vận tải
Z 0898187299

Trợ lý AI

Xin chào! Tôi có thể giúp gì cho bạn?