Sinh ra và lớn lên ở một địa phương có truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm, sớm phải chứng kiến nỗi cơ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh yêu nước chống chủ nghĩa thực dân, Người đã sớm có những trăn trở về vận nước và nuôi dưỡng ý chí quyết tâm đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Ngày 05/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên đường sang phương Tây mang theo mình một khát vọng cháy bỏng tìm đường giải phóng dân tộc. Sau gần 10 năm bôn ba, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản và nhiều nước thuộc địa. Người sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại và ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga. Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa.
Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của những người cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt nhằm đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1929, các tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, được sự phân công của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam.
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Cùng với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đồng lòng, chung sức làm nên những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và triều đình phong kiến, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Tiếp nối dòng chảy của cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã chung sức, đồng lòng làm nên một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc thương cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới. Dù đi xa nhưng Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc mang tầm tư tưởng và trí tuệ của thời đại. Thực hiện bản Di chúc bất hủ của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 50 năm qua cách mạng Việt Nam đã không ngừng tiến lên giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.
Thực hiện Di chúc của Người: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Đảng đã tập trung trí tuệ lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp cách mạng trên cả nước. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo mong muốn của Bác, từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, trải qua 10 kỳ đại hội Đảng (từ Đại hội IV đến Đại hội XIII), Đảng ta đã ngày càng xác định rõ hơn những quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo tiến hành sau hơn 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kinh tế kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành và phát triển.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được phát huy. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thấm nhuần và khắc sâu những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta. Dù đã đi xa nhưng tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người mãi là biểu tượng cách mạng, ngọn hải đăng dẫn đường cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp các thế hệ người Việt Nam tiếp nối, noi theo.
Đồng Thị Ly